Y tế từ xa năm 2020 và triển vọng trong thập niên sắp tới

Thứ năm, 24/09/2020, 11:30 GMT+7

E. Ray Dorsey, Eric J. Topol

Department of Neurology and the Center for Human Experimental Therapeutics, University of Rochester Medical Center, Rochester, NY (E.R.D.)

The Lancet Vol 395; xuất bản 14/3/2020

Khi Geoffrey Moore viết quyển sách “Crossing the Chasm” vào năm 1991 và giải thích làm thế nào những đổi mới mang tính đột phá được áp dụng trên thực tế, ông đã cho rằng mấu chốt của vấn đề là làm sao thu hẹp khoảng cách giữa việc chấp nhận sự đổi mới bởi một số ít người có tầm nhìn xa và sự đồng thuận của số đông những người tương đối thực dụng hơn. Thập kỷ vừa qua chứng kiến việc y tế từ xa cuối cùng đã vượt qua khoảng cách này. Tại Hoa Kỳ, có ít nhất 15% bác sĩ làm việc trong các cơ sở y tế đã sử dụng y tế từ xa trong thực hành lâm sàng, và khoản tiền bảo hiểm được chi trả cho dịch vụ này đã tăng 50% mỗi năm trong suốt thập kỷ qua. Trong khi đó, bản kế hoạch dài hạn về dịch vụ y tế quốc gia của Vương quốc Anh đã đưa ra kết luận rằng “dịch vụ chăm sóc y tế dựa trên công nghệ số sẽ trở thành xu hướng chủ đạo”. 

Khi số lượng các đơn vị triển khai y tế từ xa gia tăng, chúng ta kỳ vọng sẽ nhìn thấy quá trình dịch chuyển dịch vụ y tế ra khỏi các cơ sở khám chữa bệnh, sự tích hợp hoạt động y tế từ xa vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tiếp truyền thống cũng như sự phổ biến y tế từ xa đến các quốc gia có thu nhập thấp-trung bình. Y tế từ xa sẽ dịch chuyển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ bệnh viện và phòng khám sang các dịch vụ tại nhà và trên thiết bị di động. Quá trình chuyển đổi này tương tự như cách Internet đã đưa dịch vụ ngân hàng ra khỏi ngân hàng và dịch vụ mua sắm ra khỏi các cửa hàng, trung tâm thương mại. Sự thuận tiện và tiết kiệm chi phí là những động lực mạnh mẽ đã thúc đẩy những chuyển đổi này. Ngoài ra, sự dịch chuyển dịch vụ y tế ra khỏi bệnh viện thậm chí còn an toàn và mang nhiều lợi ích hơn. Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng quy mô nhỏ đã được thực hiện trên những bệnh nhân nặng, nhằm so sánh giữa việc điều trị tại bệnh viện với chăm sóc tại nhà dựa trên các cuộc gọi video với bác sĩ lâm sàng và theo dõi từ xa các dấu hiệu sinh tồn. Kết quả cho thấy các bệnh nhân được chăm sóc tại nhà có tỷ lệ tái nhập viện thấp hơn, giảm các chỉ định xét nghiệm và lượt khám bệnh không cần thiết và giảm chi phí điều trị. Mặc dù kết quả này cho thấy tiềm năng to lớn của y tế từ xa, chúng ta vẫn cần thực hiện những nghiên cứu ở quy mô lớn hơn.

 Untitled

Xu hướng chuyển dịch trên cũng cho thấy khả năng y tế từ xa và y tế truyền thống có thể sẽ được tích hợp với nhau trong tương lai. Khám bệnh từ xa không những có thể thay thế cho những dịch vụ khám sức khỏe định kỳ mà còn có thể bổ sung vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tiếp. Ví dụ, mô hình chăm sóc đột quỵ từ xa đã giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện vệ tinh nhằm hỗ trợ cấp cứu đột quỵ nhanh chóng và hiệu quả hơn. Tại Đức, Na Uy và Hoa Kỳ, đã có các đơn vị chăm sóc đột quỵ di động với những xe cấp cứu được trang bị máy quét CT và kết nối video, cho phép đánh giá bệnh nhân, thu nhận và phân tích hình ảnh, cũng như điều trị tại chỗ cho bệnh nhân. Tùy vào từng trường hợp, thường thì việc điều trị sẽ được tiếp tục tại một bệnh viện địa phương. Trong những năm sắp tới, mô hình này có thể được mở rộng sang những loại cấp cứu khác. Đối với các bệnh mãn tính, y tế từ xa và y tế truyền thống có thể được kết hợp với sự tham gia của các nhân viên y tế (bác sĩ, y tá, chuyên gia dinh dưỡng, nhà trị liệu) để chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ngay tại nhà. Việc chẩn đoán và khám sức khỏe định kỳ hàng năm có thể diễn ra tại phòng khám, nhưng quá trình theo dõi sau đó hoàn toàn có thể được thực hiện từ xa. Theo dự đoán của Wootton và Bonnardot, trong những năm sắp tới, chúng ta có thể loại bỏ tiền tố “tele” ra khỏi thuật ngữ “telemedicine”, để chỉ còn đơn giản là “medicine”.

Trong khi các đơn vị chăm sóc đột quỵ di động sẽ được nhân rộng ở các quốc gia có thu nhập cao thì các quốc gia có thu nhập thấp hơn có thể sử dụng các thiết bị di động phổ biến khác như điện thoại thông minh để triển khai y tế từ xa. Tại nhiều quốc gia, tuy các bệnh viện và phòng khám còn khá ít nhưng điện thoại thông minh lại phổ biến khắp nơi và có thể kết nối một lượng lớn người dân. Thập kỷ qua đã chứng kiến nhiều mô hình y tế từ xa thành công trong điều trị động kinh ở Nepal, ung thư ở Botswana và trầm cảm ở Jordan. Trong một số trường hợp, thiết bị di động có thể được sử dụng như một công cụ chẩn đoán (để đánh giá điện tâm đồ) và như một công cụ điều trị (để kết nối với nữ hộ sinh hoặc bác sĩ sản khoa). Những công cụ này cũng có thể giúp giáo dục và nâng cao năng lực của các bác sĩ lâm sàng tại địa phương. Tuy nhiên, nhiều rào cản về cơ sở hạ tầng công nghệ, tài chính và sự hoài nghi sẽ cần phải được vượt qua. 

Những người cuối cùng trong xã hội được tiếp nhận những công nghệ mới thường là những người lớn tuổi, trình độ học vấn thấp và điều kiện kinh tế - xã hội kém. Việc tiếp cận những đối tượng này sẽ cần nhiều nỗ lực. Vấn đề chi trả bảo hiểm cho y tế từ xa vẫn còn chưa hoàn chỉnh và chưa bao phủ hết những người lớn tuổi trong xã hội, ví dụ như trường hợp tổ chức Medicare ở Hoa Kỳ đã có các chính sách hạn chế chi trả đối với y tế từ xa. Ngoài ra, sự phân hóa về khả năng tiếp cận công nghệ số, như phân hóa về khả năng truy cập internet giữa các đối tượng khác nhau trong xã hội sẽ cản trở nhiều người tiếp cận với dịch vụ y tế. Như vậy, các rào cản về thanh toán phải được loại bỏ và sự phân hóa về mức độ tiếp cận công nghệ thông tin phải được thu hẹp để y tế từ xa có thể đến với tất cả mọi người, ở bất kỳ đâu.

 

Ý kiến của bạn