Thứ tư, 30/09/2020, 16:06 GMT+7
PHÂN LOẠI CÁC HÌNH THỨC TRIỂN KHAI Y TẾ TỪ XA
Một vấn đề sống còn đối với bất kỳ một dự án công nghệ nào đó là làm sao ứng dụng được vào thực tiễn thông qua một mô hình hiệu quả để giải quyết một bài toán, một nhu cầu, hay một vấn đề nào đó trong xã hội. Tương tự đối với y tế từ xa, chúng ta cũng cần thiết kế những mô hình ứng dụng để đưa những tiến bộ mới nhất trong công nghệ thông tin – viễn thông, công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, IOT,… vào giải quyết những vấn đề của hệ thống y tế. Để phân tích rõ chủ đề này, chúng tôi xin được phép chia sẻ loạt bài viết về các mô hình y tế từ xa với hy vọng cung cấp thêm thông tin cho quý bạn đọc nhằm triển khai y tế từ xa trong việc thực hành lâm sàng của mình.
Phân loại dựa trên phương thức thu nhận và truyền tải thông tin
Đây là cách phân loại mô hình y tế từ xa phổ biến nhất hiện nay, bao gồm các hình thức sau:
- Mô hình trực tuyến theo thời gian thực (synchronous): Ở mô hình này, các dữ liệu được ghi nhận và truyền tải trực tuyến giữa các bên. Một ví dụ phổ biến nhất cho mô hình này là khám bệnh trực tuyến thông qua hội nghị truyền hình, có thể sử dụng thêm các thiết bị khám bệnh ngoại vi như siêu âm trực tuyến, ống nghe tim phổi trực tuyến hoặc hội chẩn phẫu thuật trực tuyến qua video. Mô hình này tương đối tiện lợi và dễ thực hiện, tuy nhiên lại yêu cầu băng thông internet tương đối cao, kết nối ổn định và cần các thiết bị phần cứng chuyên dụng.
- Mô hình lưu trữ và chuyển tiếp (asynchronous): Ở mô hình này, thông tin lâm sàng được thu thập và gửi đến các bên nhận. Dữ liệu có thể được lưu trữ tại chỗ hoặc trên máy chủ khi có kết nối. Những người tham gia trong hệ thống có thể xem, phân tích, đánh giá dữ liệu, tích hợp vào các hồ sơ y tế hoặc chuyển tiếp cho những người tham gia khác. Mô hình này ít phụ thuộc vào đường truyền internet nhưng lại làm cho vấn đề quản trị trở nên phức tạp hơn, phù hợp với các trường hợp liên quan đến phân tích và chẩn đoán từ xa kết quả chẩn đoán hình ảnh như X-quang, CT, MRI, nội soi hoặc ảnh chụp sang thương trong khám da liễu,….
- Mô hình theo dõi sức khỏe từ xa (Telemonitoring) – mô hình này sử dụng những thiết bị có khả năng ghi nhận các thông số sức khỏe, gửi kết quả liên tục hoặc tổng hợp theo từng giai đoạn đến bác sĩ lâm sàng. Ví dụ theo dõi các chỉ số sức khỏe như huyết áp, đường huyết tại nhà hoặc các mô hình Tele-ICU.
Phân loại dựa trên đối tượng tham gia và hướng đi của dòng thông tin
Kiểu phân loại này chia các mô hình y tế từ xa vào các nhóm sau đây:
- Giữa bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ y tế: đây là hình thức phổ biến và đơn giản nhất, bệnh nhân có thể giao tiếp với bác sĩ thông qua tin nhắn, video call, mạng xã hội hoặc các ứng dụng điện thoại/website có sẵn mạng lưới bác sĩ và nền tảng để giao tiếp. Mô hình này thuận tiện nhưng bác sĩ thường khó có đủ thông tin lâm sàng và chỉ đưa ra những tư vấn điều trị hạn chế.
- Giữa các cơ sở y tế ở nhiều cấp độ: Đây là mô hình liên kết giữa các tuyến y tế khác nhau, từ tuyến huyện, xã đến tuyến tỉnh và trung ương, từ các trung tâm y tế cơ bản đến các bệnh viện chuyên khoa. Ở mô hình này, tuyến trên có thể hỗ trợ tuyến dưới trong chẩn đoán và điều trị, đặc biệt là các tình huống cấp cứu. Thông tin lâm sàng được thu nhận và chia sẻ thường là đầy đủ hơn, với nhiều hình thức thăm khám, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh khác nhau. Mô hình này cũng giúp các bệnh nhân sau khi được điều trị, phẫu thuật ở tuyến trên tiếp tục được theo dõi tại các tuyến dưới mà vẫn nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên. Đây là hình thức quan trọng và hiệu quả nhất trong các mô hình y tế từ xa.
- Giữa các cơ sở y tế đồng cấp: Đây là mô hình chia sẻ chuyên môn, hội chẩn từ xa giữa các bệnh viện đồng cấp. Vì tuy là đồng cấp nhưng mỗi bệnh viện sẽ có những thế mạnh riêng, khi gặp một ca bệnh mà bệnh viện không đủ năng lực chuyên môn, có thể hội chẩn từ xa với một đồng nghiệp, chuyên gia tại bệnh viện khác. Mô hình này còn hiệu quả trong việc đào tạo từ xa, CME hoặc tổ chức các hội nghị khoa học với báo cáo viên giảng bài từ xa và thậm chí là phẫu thuật trình diễn từ xa.
- Giữa các bệnh viện hoặc cơ sở y tế trong cùng một hệ thống: Ví dụ như trong một chuỗi bệnh viện tim mạch, bệnh nhân có thể được khám và chụp chiếu tại một cơ sở ngoại vi trong hệ thống, sau đó được phẫu thuật tại bệnh viện trung tâm và đưa về lại bệnh viện ngoại vi để chăm sóc theo dõi. Toàn bộ quá trình này đều nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ bác sĩ ở bệnh viện trung tâm qua hệ thống y tế từ xa. Mô hình này giúp các chuỗi bệnh viện (đặc biệt là trong lĩnh vực y tế tư nhân) tận dụng tối đa nguồn lực của mình và tiết kiệm chi phí vận hành.
- Mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà: Bệnh nhân có thể được khám và theo dõi bệnh tại nhà với các thiết bị theo dõi sức khỏe cá nhân có khả năng truyền dữ liệu lâm sàng đến bác sĩ điều trị. Mô hình này cũng có thể được thực hiện với sự hỗ trợ của nhân viên y tế cơ sở mang theo bên mình những thiết bị khám từ xa để kết nối về một bệnh viện trung tâm, có thể kết hợp khám bệnh với lấy mẫu xét nghiệm và các dịch vụ chăm sóc khác. Hình thức này đặc biệt phù hợp để triển khai bác sĩ gia đình, để khám chữa bệnh cho các bệnh nhân gặp khó khăn trong việc di chuyển hoặc đơn giản là những bệnh nhân muốn tiết kiệm thời gian trong cuộc sống bận rộn.
Ngoài các hình thức kể trên, chúng ta còn nhiều cách phân loại mô hình y tế từ xa như dựa trên chuyên khoa khám bệnh hay dựa trên loại thiết bị kết nối,…. Ở những phần kế tiếp, chúng tôi sẽ giúp bạn phân tích các mô hình y tế từ xa cụ thể. Vui lòng theo dõi vì có thể đó là mô hình phù hợp với cơ sở y tế của bạn. Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể gọi cho chúng tôi để được tư vấn trực tiếp.