Nguồn tham khảo: Telehealth in the developing world (2009), R. Wotton, N.G.Patil, R.E.Scott, K.Ho
GIỚI THIỆU
Y tế từ xa là giải pháp cung cấp dịch vụ y tế giữa các bên tham gia cách xa nhau. Mô hình y tế từ xa theo thời gian thực (synchronous) qua hội nghị truyền hình thường cần đến các thiết bị chuyên dụng và đường truyền Internet tốc độ cao, vốn khó tiếp cận ở những nước đang phát triển. Trong khi đó, mô hình lưu trữ và chuyển tiếp (asynchronous) với chi phí thấp và vận hành đơn giản đã được ứng dụng thành công tại một số quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Mô hình lưu trữ và chuyển tiếp thường được thực hiện dưới hai hình thức: dựa trên nền tảng Web hoặc Email.
Lưu trữ và chuyển tiếp trên nền tảng Web
Trong mô hình y tế từ xa dựa trên nền tảng web, bác sĩ cần hỗ trợ chuyên môn (A) sẽ kết nối internet và truy cập vào một website hoặc phần mềm chuyên biệt để gửi các dữ liệu lâm sàng, hình ảnh chẩn đoán,… của bệnh nhân. Dữ liệu này thường được lưu trữ trên một server từ xa. Một bác sĩ khác (B) có thể truy cập để xem và phân tích các dữ liệu này để đưa ra tham vấn chẩn đoán hoặc điều trị phù hợp. Câu trả lời của bác sĩ (B) sẽ được lưu trên server và bác sĩ (A) có thể truy cập để nhận được. Trong mô hình này, server lưu trữ phải đảm bảo các biện pháp bảo mật thông tin cần thiết để không làm lộ dữ liệu của bệnh nhân.
Lưu trữ và chuyển tiếp dựa trên Email
Một nhược điểm của hình thức lưu trữ và chuyển tiếp dựa trên nền tảng web là cần có đường truyền Internet tốc độ tương đối cao để truy cập dữ liệu hai chiều. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực ở những nước đang phát triển, Internet hầu như chỉ có thể được truy cập với tốc độ thấp qua mạng điện thoại (dial up) và sẽ phù hợp với mô hình dựa trên email. Trong mô hình lưu trữ và chuyển tiếp dựa trên email, bác sĩ cần hỗ trợ chuyên môn (A) sẽ gửi email về một trung tâm điều hành với nội dung bao gồm thông tin lâm sàng của bệnh nhân, có thể đính kèm dữ liệu chẩn đoán hình ảnh hoặc các dữ liệu khác. Điều phối viên (B) sẽ chuyển tiếp nội dung email cho một bác sĩ phù hợp (C) để trả lời. Điều phối viên (B) sẽ nhận câu trả lời từ bác sĩ (C) và gửi về cho bác sĩ (A), cũng như chuyển tiếp các câu hỏi phát sinh sau đó. Mô hình lưu trữ và chuyển tiếp qua email có chi phí vận hành tương đối thấp, tuy nhiên có những hạn chế sau:
- Khi mở rộng quy mô với sự tham gia của nhiều bác sĩ “gửi yêu cầu” và nhiều bác sĩ đóng vai trò “trả lời”, việc quản trị dòng thông tin trở nên phức tạp và cần nhiều nhân lực. Thời gian xử lý các yêu cầu tăng lên hoặc có thể bị bỏ qua.
- Thông tin được gửi đi qua email không đảm bảo các tiêu chuẩn bảo mật, mặc dù các thông tin định danh bệnh nhân thường sẽ được ẩn đi.
- Những hạn chế trong việc nhập thông tin và đính kèm hồ sơ qua email dẫn đến việc gửi và nhận đầy đủ các dữ liệu lâm sàng của bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn.
- Việc quản trị khi số lượng email tăng lên, các email rác, spam cũng là một vấn đề thường gặp.
Để minh họa cho mô hình y tế từ xa lưu trữ và chuyển tiếp, chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc một case study về dự án thiết lập mạng lưới hỗ trợ y khoa xuyên biên giới qua email của tổ chức từ thiện phi chính phủ Swinfen Charitable Trust
SỰ RA ĐỜI CỦA DỰ ÁN SWINFEN CHARITABLE TRUST
Trong những năm 1990, quân đội Anh đã sử dụng mô hình y tế từ xa qua email lần đầu tiên rất thành công ở Bosnia. Trung tá David Vassallo, chỉ huy đơn vị phẫu thuật Peter Buxton và trung tá không quân John Kilbey là những người đã thiết lập mô hình sử dụng camera kỹ thuật số để ghi nhận hình ảnh từ bệnh nhân, sau đó đình kèm vào email và gửi về bệnh viện hoàng gia Haslar để được hỗ trợ chẩn đoán và điều trị. Mô hình đã cho thấy hiệu quả khi máy bay trực thăng của Cộng Hòa Czech đâm vào Bosnia vào tháng 1-1998, làm năm người trong tổ bay bị thương nghiêm trọng.
David Vassallo và Peter Buxton sau đó đã chia sẻ hệ thống này với ông bà Swinfen để thực hiện một dự án y tế từ xa quy mô pilot kết nối với trung tâm phục hồi chức năng cho người bị liệt ở Bangladesh vào năm 1999.
MẠNG LƯỚI HỖ TRỢ Y KHOA XUYÊN BIÊN GIỚI
Swinfen Charitable Trust (SCT) được thành lập năm 1998 để hỗ trợ những bệnh nhân nghèo và tàn tật tại những nước đang phát triển. SCT là một tổ chức từ thiện phi chính phủ, phi tôn giáo được đăng ký tại Anh. SCT cung cấp những tư vấn chẩn đoán và điều trị miễn phí nhằm hỗ trợ các bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân nghèo không tiếp cận được các dịch vụ y tế. Vào tháng 7-1999, một mạng lưới y tế từ xa qua email đã được thiết lập với trung tâm phục hồi chức năng cho người bị liệt (CRP) tại Bangladesh. Các email yêu cầu hỗ trợ vì thế cũng tập trung vào các vấn đề ngoại thần kinh và chấn thương chỉnh hình. Các email được tiếp nhận và xử lý bởi các điều phối viên của SCT, sau đó được gửi đến các thành viên của nhóm bác sĩ tình nguyện để trả lời miễn phí.
Một nghiên cứu nhỏ được công bố khoảng 1 năm sau khi bắt đầu dự án đã cho thấy những lợi ích về lâm sàng cho bệnh nhân và về đào tạo năng lực chuyên môn đối với các bác sĩ được hỗ trợ. CRP đã tiếp tục kết nối với mạng lưới của SCT trong một thời gian dài và cho đến đầu năm 2009, có tổng cộng 182 ca bệnh được hỗ trợ điều trị thành công.
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA MẠNG LƯỚI TRONG GIAI ĐOẠN 1999 – 2004
Mặc dù mạng lưới hỗ trợ y khoa qua email với CRP chỉ là một mô hình pilot, thông tin về hiệu quả của nó nhanh chóng được lan tỏa. Đến cuối năm đầu tiên của dự án, đã có thêm hai trung tâm khác ở Kathmandu, Nepal và đảo Solomon yêu cầu tham gia vào dự án để được hỗ trợ. Kể từ đó, số lượng các trung tâm yêu cầu được kết nối đã tăng lên nhanh chóng.
Phương thức tiếp nhận và xử lý email thủ công (như chuyển tiếp email mới đến bác sĩ chuyên khoa phù hợp, chuyển tiếp email trả lời tới người yêu cầu và trả lời những câu hỏi phát sinh sau đó) nhanh chóng trở nên quá tải khi số lượng bệnh viện tham gia và email tăng lên. Vì thế, một hệ thống trả lời email tự động đã được phát triển bởi trung tâm sức khỏe trực tuyến tại đại học Queensland vào năm 2002, giúp tăng đáng kể hiệu quả vận hành của dự án.
Từ tháng 7-1999 đến tháng 3-2003, mạng lưới đã được phát triển tại 17 bệnh viện. Số lượng bệnh viện chuyển tiếp tăng lên thì số lượng bác sĩ chuyên khoa tình nguyện được tuyển dụng vào dự án cũng tăng lên. SCT tiếp tục phải phụ thuộc vào các bác sĩ và nhân lực tình nguyện để đảm bảo sự vận hành của mạng lưới.
IRAQ VÀ KHU VỰC TRUNG ĐÔNG
Chiến tranh Iraq nổ ra vào tháng 3-2003 với sự đổ bộ của một lực lượng quân sự đa quốc gia bao gồm Mỹ và các đồng minh như Anh, Úc, Ba Lan,… Vào năm 2004, các quản trị viên của SCT đã đến thăm Basra như một phần trong nhiệm vụ hỗ trợ y tế của chính phủ Anh. Kết quả là nhiều bệnh viện tại Iraq đã yêu cầu tham gia vào mạng lưới hỗ trợ y khoa của SCT, khiến cho số lượng các lượt chuyển tiếp yêu cầu hỗ trợ từ Iraq và khu vực Trung Đông nói chung đã tăng lên nhanh chóng.
LIÊN MINH U21
Universitas 21 (U21) là một nhóm bao gồm 21 trung tâm nghiên cứu chuyên sâu hàng đầu của các trường đại học tại 13 quốc gia trên khắp thế giới. Theo đề nghị của nhóm nghiên cứu khoa học sức khỏe U21, một biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa U21 và Swinfen Charitable Trust vào năm 2006 nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của SCT bằng cách sử dụng các nguồn lực của U21 như bác sĩ chuyên khoa, sinh viên y khoa, sinh viên điều dưỡng,… và các hình thức hỗ trợ khác.
Dự án đầu tiên liên kết với U21 bắt đầu từ giữa năm 2005. Trong vòng 2 năm đầu tiên, tổng cộng 8 sinh viên y khoa từ 4 trường đại học U21 đã tình nguyện phục vụ ở các bệnh viện được chỉ định tại Pakistan, Papua New Guinea và Sri Lanka. Hầu hết các đợt phục vụ kéo dài khoảng 4 tuần và các sinh viên y khoa thường là năm cuối đại học. Trước khi dự án bắt đầu, một số lo ngại được đưa ra bởi các thành viên của U21 về những nguy cơ pháp lý có thể xảy ra và các sinh viên được gửi đi liệu có giúp ích được gì cho các bệnh viện địa phương không? Trên thực tế, sự có mặt của các sinh viên y khoa đã thúc đẩy đáng kể việc thực hiện các lượt chuyển tiếp thông tin, góp phần làm giảm áp lực cho bác sĩ địa phương, giúp họ tập trung vào những công việc chuyên môn cần thiết.
HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRONG TƯƠNG LAI CỦA DỰ ÁN
Trong vòng 10 năm vận hành đầu tiên, SCT đã thiết lập mạng lưới hỗ trợ y khoa từ xa cho 135 bệnh viện/phòng khám tại 34 quốc gia và hỗ trợ cho hơn 1700 ca lâm sàng. Một báo cáo cho thấy mô hình của SCT đã làm gia tăng tuổi thọ của những bệnh nhân được hỗ trợ. Tuy nhiên, mô hình không giúp thu thập đầy đủ các dữ liệu theo dõi bệnh nhân vì có nhiều bệnh nhân đã không trở lại tái khám do khoảng cách di chuyển, thời gian, chi phí, bao gồm cả việc mất thu nhập do di chuyển và nằm viện. Trong một khảo sát được thực hiện vào năm 2004, mô hình của SCT cho thấy lợi ích đối với các bác sĩ địa phương và đây là yếu tố tiên quyết để dự án được tiếp tục, vì nếu không, các bác sĩ địa phương sẽ không tham gia và gửi yêu cầu nhận hỗ trợ. Sự bền vững của dự án còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí khi vận hành ở quy mô lớn. Tăng quy mô trong khi nhân lực của dự án còn phụ thuộc vào các bác sĩ tình nguyện là rất khó.
Dự án hỗ trợ y khoa từ xa xuyên quốc gia của Swinfen Charitable Trust cho thấy việc triển khai mô hình lưu trữ và chuyển tiếp dựa trên email ở những nước đang phát triển là khả thi và có lợi về mặt lâm sàng. Tuy nhiên, mô hình y tế từ xa vẫn khó có thể được mở rộng ở quy mô lớn vì nhiều lý do. Như vậy, đâu mới là chiến lược đúng đắn? Các chuyên gia đều nhận định rằng các quốc gia cần phải xây dựng mạng lưới y tế từ xa dựa trên các nguồn lực trong nước thì mô hình mới có tính bền vững. Các mạng lưới hỗ trợ y khoa quốc tế có thể có lợi trong việc thiết lập mô hình trong thời gian đầu, tuy nhiên hệ thống y tế từ xa của từng quốc gia phải có khả năng vận hành độc lập càng sớm càng tốt để đạt được hiệu quả tối ưu.