5G là gì? Các ứng dụng của 5G trong y tế

Thứ sáu, 06/11/2020, 07:11 GMT+7

GIỚI THIỆU

Trong kỷ nguyên số, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng kéo theo sự ra đời và phát triển của nhiều ứng dụng công nghệ nhằm tối ưu hóa dịch vụ y tế. Để đáp ứng được nhu cầu đó, cần một mạng lưới Internet mạnh mẽ giúp kết nối hiệu quả giữa bệnh nhân và nhân viên y tế. Với thế hệ mạng di động thứ 5 viết tắt là 5G, thế hệ được kỳ vọng sẽ tạo nên một cuộc bùng nổ thay đổi toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe, vượt qua các hạn chế của thế hệ cũ hiện có và cung cấp một trải nhiệm người dùng tuyệt vời.  

Với công nghệ 5G, dữ liệu được truyền tải với tốc độ và độ tin cậy cao, kết nối liền mạch với độ trễ và năng lượng tiêu thụ thấp. Tốc độ lý thuyết của 4G là 300Mbps, trong đó đối với mạng 5G là khoảng 10 đến 30 Gbps (nhanh hơn gần gấp 10 lần). Điều đó có nghĩa là để phát trực tuyến video 8K hoặc tải xuống một bộ phim định dạng 3D, 5G chỉ cần vỏn vẹn 30 giây (trong khi 4G mất khoảng 6 phút). Hơn thế nữa, độ trễ trung bình của mạng 4G là khoảng 70 ms, trong khi 5G chỉ là 1 ms. Ngoài ra, 5G hoạt động ở tần số vi sóng (băng thông rộng) do đó có thể kết nối số lượng lớn người dùng đồng thời ( 1 triệu người/km2), gấp 100 lần so với 4G mặc dù năng lượng tiêu thụ thấp giúp thiết bị sử dụng bền bỉ hơn, tuổi thọ pin duy trì tốt hơn. Chính nhờ những ưu điểm của 5G, toàn bộ hệ thống y tế có thể được quản lý theo mô hình phi tập trung.

5g

 

CÁC ỨNG DỤNG CỦA 5G TRONG Y TẾ

Chăm sóc tại nhà và theo dõi bệnh nhân từ xa

Đây hình thức chăm sóc sức khỏe từ xa nhờ sự kết hợp các thiết bị ngoại vi, các cảm biến để đo huyết áp, đường huyết và các thông số khác với ứng dụng phần mềm, cho phép vận hành hệ thống các thiết bị y tế kết nối qua Internet (Internet of Medical Things) có khả năng truyền dữ liệu kịp thời giữa bệnh nhân và trung tâm dữ liệu nhằm theo dõi các thông số sức khỏe từ xa. Để thực hiện được điều đó, cần yêu cầu băng thông và hệ thống thông tin di động chất lượng cao để truyền tải các dạng sóng y tế theo thời gian thực (hệ thống GPRS tiêu chuẩn thường sẽ không thực hiện được điều này). Đặc biệt trong các trường hợp vận động ngoài trời nhưng vẫn đảm bảo bệnh nhân được giám sát sức khỏe 24/7. Hệ thống có khả năng tự động điều khiển cảm biến trên bệnh nhân từ xa, kiểm soát để ghi lại các tham số khác nhau, thiết lập biểu đồ và báo cáo nhằm phát hiện ngay dấu hiệu xảy ra các biến cố bất lợi và khả năng diễn tiến nguy kịch của bệnh nhân. Thậm chí trong các trường hợp cần thiết, hệ thống có thể chuyển tiếp các thông tin quan trọng một cách tức thì đến thiết bị di động của bác sĩ. Bác sĩ có thể kiểm tra dữ liệu lâm sàng của bệnh nhân theo thời gian thực, ngoài ra còn có thế thiết lập hội nghị truyền hình để kiểm tra nhanh tình trạng bệnh nhân, biết được vị trí của bệnh nhân trên bản đồ khi cần thiết và chia sẻ thông tin cho đội cấp cứu. Hiện nay, những tính năng ưu việt của mạng 5G là chìa khóa để phát triển các hệ thống Internet vạn vật (Iot), được kỳ vọng là cầu nối để truyền tải thông tin bệnh nhân một cách hoàn hảo.

Dịch vụ cấp cứu

Trước đây, dịch vụ cấp cứu vẫn còn gặp phải những trở ngại về việc truyền thông tin, cập nhật và quản lý hồ sơ bệnh án trong suốt quá trình di chuyển từ hiện trường sạc lở, động đất, vùng sâu vùng xa,.. thậm chí là cấp cứu tại nhà. Chưa kể từ phía trung tâm cấp cứu, các bác sĩ tại bệnh viện phải đợi rất lâu để tiếp nhận bệnh nhân và mất thời gian xem lại các dữ liệu y tế. Vấn đề chậm trễ trong quá trình vận chuyển, tiếp nhận bệnh án, không xử lý kịp thời dẫn đến không ít trường hợp tử vong trên đường đi, hoặc có những tai biến không mong muốn.  Với những tiến bộ vượt bậc của công nghệ 5G, xe cứu thương được trang bị các kết nối tốc độ cao, cho phép đẩy nhanh quá trình điều trị, gia tăng độ chính xác khi sử dụng thông tin GPS – xác định chính xác vị trí di chuyển, giám sát hệ thống máy móc - đảm bảo các tính năng của xe cứu thương hoạt động trơn tru. Những hệ thống này đòi hỏi dung lượng cao, độ trễ thấp, điều mà chỉ có 5G làm được.

Dịch vụ khám bệnh ảo (khám bệnh từ xa)

Chất lượng đường truyền tốt là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo mô hình khám bệnh từ xa trực tuyến được thực hiện thành công. 5G là cầu nối hữu hiệu để kết nối bệnh nhân và bác sĩ từ xa. Một cuộc hội thoại chất lượng, độ trễ gần như bằng không giúp bệnh nhân và bác sĩ có những trải nghiệm thoải mái như khám bệnh truyền thống.

Bảo trì theo thời gian thực

Tất cả các máy móc, thiết bị y tế đều có thể được trang bị cảm biến ghi nhận tình trạng làm việc. Mọi vấn đề phát sinh, hư hỏng, nguy hiểm,.. đều có thể được ghi nhận và truyền thông tin theo thời gian thực cho nhóm bảo trì. Điều này không chỉ hỗ trợ việc kiểm tra tình trạng hư hỏng của máy móc mà còn giúp giảm thời gian sửa chữa, thay thế.

Thực tế tăng cường, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo và Robot

Việc ứng dụng trong y tế công nghệ thực tế tăng cường, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo và Robot trong phẫu thuật, đào tạo, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị không còn xa lạ. Công nghệ càng tiên tiến càng đòi hỏi tốc độ truyền tải lớn hơn. Ví dụ như video 360 độ VR thường yêu cầu băng thông truyền tải dữ liệu tối thiểu là 2,1 Gbps. Bạn hãy tưởng tượng nếu phẫu thuật viên xem phẫu trường giả lập qua kính VR và di chuyển dao mổ đến vị trí phẫu thuật A trong khi thực tế dao mổ đang ở vị trí B thì sẽ nguy hiểm như thế nào? Ngoài ra với sự hỗ trợ của mạng 5G, phẫu thuật viên không chỉ được được đào tạo ngay tại phòng mổ mà còn có khả năng hợp tác với các chuyên gia ở các trung tâm khác nhau theo thời gian thực. Công nghệ này gián tiếp giúp thúc đẩy, nâng cao trình độ chuyên môn, cắt giảm chi phí, giảm thời gian thực hiện, và thường được gọi theo thuật ngữ Internet of Medical Skills (IoMS).

 

Ý kiến của bạn